Việt Nam và Mỹ đã đạt thỏa thuận về khả năng hợp tác phát triển kho cảng khí hóa lỏng Sơn Mỹ, một trong hai dự án nhập khẩu khí hóa lỏng tại Việt Nam.
Hai biên bản ghi nhớ do PV GAS, doanh nghiệp kinh doanh khí lớn nhất Việt Nam, ký với tập đoàn AES và Alaska Gasline Development Corporation (AGDC) của Mỹ về khả năng hợp tác đầu tư xây dựng kho cảng khí hóa lỏng Sơn Mỹ và cung cấp nguồn hàng cho các dự án nhập khẩu khí hoá lỏng (LNG) tại Việt Nam. AGDC cũng xem xét khả năng PV GAS tham gia phát triển các mỏ khí tại bang Alaska (Mỹ).
Lễ ký kết có sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào chiều tối ngày 12.11.2017 tại Hà Nội.
Thị trường khí Việt Nam có quy mô khoảng 11-15 tỉ m3/năm trong giai đoạn 2016-2020 theo quy hoạch của chính phủ, có nguồn tiêu thụ chính là thị trường điện, chiếm khoảng 70-80% tổng sản lượng khí. Mức tiêu thụ năng lượng điện của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kép ước đạt 7,1% trong giai đoạn 2016-2025.
Các dự án kho cảng nhập khẩu khí hoá lỏng, bao gồm kho Thị Vải và Sơn Mỹ, có ý nghĩa quan trọng với ngành năng lượng Việt Nam, bổ sung nguồn cung cấp khí trong tương lai trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ khí ngày càng tăng và sản lượng khai thác trong nước sụt giảm.
Toàn bộ khí nhập khẩu vào Việt Nam sẽ thông qua hai cảng nhập khẩu nói trên. Khí hoá lỏng sẽ được tồn trữ trong các bồn chứa tại các dự án này và tái hóa khí trước khi đưa vào hệ thống đường ống dẫn đến nơi tiêu thụ. Giai đoạn một của kho cảng Sơn Mỹ dự kiến có công suất 3-6 triệu tấn/năm với tổng mức đầu tư khoảng 1,35 tỉ đô la Mỹ và đi vào hoạt động trong năm 2019-2020. Kho cảng Sơn Mỹ theo quy hoạch sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn/năm sau năm 2025.
PV GAS cho biết, khí tái hóa từ cảng Sơn Mỹ sẽ được cung cấp cho hai nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, còn kho cảng Thị Vải sẽ cung cấp chính cho các hộ công nghiệp và nhà máy điện độc lập tại khu vực Đông Nam Bộ.
Theo viện nghiên cứu dầu khí, nguồn cung khí hoá lỏng trên thế giới hiện tập trung chính ở các nước thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Mỹ, Úc và Nga, trong đó Mỹ là nguồn cung LNG tiềm năng nhất với nguồn cung cấp từ khí đá phiến.
Trường Bùi - http://forbesvietnam.com.vn